Nói sơ qua một chút thì tháng 9/2024 này là Mỡ vừa tròn 5 tuổi.
Một cột mốc cũng gọi là khá dài cho hành trình song ngữ vừa qua. Hiện tại thì Mỡ đã giao tiếp thành thạo 2 ngôn ngữ. Sự phát triển của 2 ngôn ngữ Tiếng Việt- Tiếng Anh khá đều. Giai đoạn này thì Mỡ sắp chuẩn bị vào lớp 1 nên lượng input Tiếng Việt Hương dành cho Mỡ cũng nhiều hơn một chút (gồm cả việc tập đọc- viết- ghép từ). Phần này mình sẽ viết rõ hơn phía dưới bài.
Giao tiếp nghe- nói cơ bản là ổn, Mỡ cũng có học song ngữ ở trường và các bài test theo kiểu teacher hỏi- bạn trả lời hay là các bài nghe bạn làm các cũng gọi là tốt (thường bài test nghe 8/10).
Ngoài ra gần đây có bác của Mỡ từ Mỹ về, bác không biết nói tiếng Việt nên cũng là cơ hội cho Mỡ tăng thêm phản xạ giao tiếp- Mình quan sát thấy Mỡ khá tự tin trò chuyện với bác và có thể duy trì cuộc trò chuyện.
❀ Hành trình phát triển cụ thể từ 4 – 5 tuổi
Nếu so với giai đoạn trước đó khi Mỡ mới học nói từ 1-3 tuổi (Mình có để link cuối bài viết) thì giai đoạn 4-5 tuổi theo Hương thấy là nhẹ nhàng hơn. Lí do đầu tiên là vì mình đã tạo được thói quen sinh hoạt song ngữ nên lúc này Hương chỉ tập trung vào việc mở rộng lượng từ vựng và mẫu câu phức tạp hơn. Ví dụ tập cho Mỡ làm quen với việc dùng thì “quá khứ”, “so sánh” (better, most), “tưởng tượng” (What if)…
Nói về cách tương tác thì khung độ tuổi này không tập trung quá nhiều vào các trò chơi cần sự dẫn dắt của bố mẹ, mà chủ yếu để bạn phát triển kĩ năng chơi độc lập (independant play), quan sát xem sở thích của con là gì và giúp con mở rộng trò chơi đó. Cụ thể Mỡ vẫn thích chơi với xe theo dạng pretend play- nghĩa là tự chơi đóng vai (nhiều lúc 1 mình đóng 3 vai ^^), thích vẽ và cách vẽ của con lúc này rất sáng tạo và gần giống với sự vật, thích ghép chữ và đố mẹ chữ gì… Do đó mình vẫn ở gần quan sát cách con chơi để hiểu rõ sở thích của con nhưng không can thiệp quá nhiều.
❀ Vậy mình mở rộng ngôn ngữ cho con bằng cách nào?
Ngay từ khi bắt đầu hành trình song ngữ với Mỡ thì Hương vẫn luôn tập trung vào phương pháp thực tế. Mọi thứ đều là ngữ cảnh thực tế, đồ vật thực tế để con vừa nhìn là hiểu và có thể sờ chạm, tăng sự tiếp xúc để nhớ tốt hơn. Như vậy giai đoạn 4-5 tuổi Hương vẫn giới thiệu ngôn ngữ qua hoạt động hàng ngày. Ngoài các hoạt động đã quá quen thuộc thì mình sẽ tranh thủ có những tình huống nào mới thì miêu tả cho con.
Ví dụ: gần đây nhất vào tháng 11 vừa rồi cả nhà có dịp đi chơi ở suối Đá Bàng- Phu Quốc. Vào đến nơi thì được bạn hướng dẫn viên giới thiệu con đường lội suối với những hòn cuội nhỏ, băng qua con suối thi mình có con đường mòn đi xuyên qua rừng với các loại cây mà cả nhà mình lần đầu tiên thấy như cây Bàng (Almond tree), cây Trâm (Black Plum tree), cây Sung (Fig tree). Cuối cùng thì tụi mình đi lên tới đỉnh thác với dòng thác chảy cuồn cuộn. Tất cả những yếu tố đó mình đều tranh thủ miêu tả cho con- bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Đối với Hương việc học chính là qua những tình huống như vậy, vì khi đó con đang có cả sự hứng thú, tò mò, tập trung, có thể nhìn thấy những hình ảnh đang chuyển động, dùng đôi bàn chân bước qua con suối và cảm nhận dòng nước đang chảy mạnh, dùng đôi bàn tay để sờ lên những chiếc lá dương xỉ, những hòn đá gồ ghề hay những thân cây thô ráp. Lúc này con không chỉ vừa quan sát, vừa cảm nhận, vưà học hỏi mà còn đang được sống với 1 khung cảnh đẹp. Mình nói cho con để con hiểu rõ hơn và cảm nhận sâu sắc hơn.
Ngoài những tình huống thực tế, Hương sử dụng thêm sách để giúp con có thêm kiến thức. Các loại sách lúc này sẽ không còn là những quyển sách có hình ảnh các em bé đáng yêu, hay những người bạn động vật xinh xắn với màu sắc sinh động nữa. Thay vào đó, lúc này giá sách sẽ có nhiều hơn sách thiên về thế giới khoa học, các quốc gia, các nông trại, những sinh vật biển hay động vật hoang dã, những câu chuyện cố tích (fairy tales) hay truyện về siêu nhân theo đúng sở thích của Mỡ.
Nhờ việc quan sát khi con chơi nên mình biết con đang thích anh hùng siêu nhân, thích khám phá các nước như Nhật Bản, Úc, Mỹ. Có 1 thực tế là hiện tại Mỡ không còn đọc sách nhiều như lúc trước. Sẽ có nhiều lí do cho việc này. Tuy nhiên mình không ép mà vẫn để những cuốn sách trên kệ, nếu con thích đọc thì sẽ tự chọn 1 cuốn rồi mình sẽ đọc cùng Mỡ để duy trì thói quen đọc sách càng lâu càng tốt.
Những kiến thức mới từ bố- Bố của Mỡ sẽ có nhiều kiến thức về các mảng xã hội- động vật biển và côn trùng. Do đó mình giao luôn nhiệm vụ là mỗi cuối tuần bố sẽ nói chuyện với Mỡ về những chủ đề mới- đi kèm video từ National Geographic để luyện nghe và học thêm từ vựng và kiến thức.
Ví dụ gần đây thì bố có dạy cho Mỡ về bạn Hercules beetle (bọ cánh cứng) và giải thích cách bạn hình thành từ kén (cocoon)- tơi khúc này Mỡ sẽ tự hình dung + so sánh và nói “It’s longer than an oval”- ý muốn nói cái kén của bạn hình thù nó dài hơn hình bầu dục.
❀ Sự phát triển ngôn ngữ từ 4-5 tuổi
Số lượng từ vựng thì bây giờ không thể đếm nổi nữa. Các mảng từ vựng vẫn chủ yếu là từ quá trình nạp input trong thời gian trước đó nên Mỡ đã dùng nhuần nhuyễn theo đúng tình huống. Giai đoạn này thì từ vựng tiếng Việt đang trội hơn do bạn đã hiểu sâu hơn từ vùng miền.
Ví dụ: có đợt Mỡ đi chơi Hội An và nghe cô nói “mi noá chi rứa mi” (mi nói chi vậy mi) và Mỡ ngớ ra không hiểu gì luôn. Còn tại thời điểm hiện tại thậm chí còn muốn bắt chước nói theo giọng miền Trung như vậy nữa. Tiếng Anh thì như mình kể trên- đó là tập trung nhiều hơn về mảng khoa học- động vật- cảm xúc xã hội.
Mỡ có thể dùng các câu ghép và khá phức tạp bằng tiếng Anh (thiệt sự nói nhiều qúa nên mình không nhớ được hết những câu Mỡ nói) và dùng các từ nối để kết nối ý tưởng rất tốt.
#khả_năng_kể_chuyện và diễn đạt ý tưởng:
Có thể tự kể lại câu chuyện về “Little Red Riding Hood” khi chơi trò đóng vai với 1 bạn xe ben. Khả năng ghi nhớ tốt là do mình thường kể những câu chuyện cổ tích như vậy (bằng cả 2 ngôn ngữ) cho Mỡ trong giờ ăn. Sau khi kể xong mình thường hỏi lại 1 vài câu hỏi để xem bạn nhớ hay không nhớ chi tiết nào. Điều đó giúp con vừa tập trí nhớ vừa tập kĩ năng liên kết các tình huống của câu chuyện.
giai đoạn 4 tuổi thì thật sự có rất nhiều khủng hoảng tâm sinh lý của Mỡ mà mình thật sự có những lúc định bỏ cuộc vì không biết nên làm gì. Thế rồi lại phải tìm đọc thông tin, chọn lọc phương pháp và luyện tập cách xử lý khi con mất bình tĩnh.
Cũng phải mất nhiều tháng sau đó thì mình thấy Mỡ đã biết cách thể hiện cảm xúc, dù là tích cực hay tiêu cực. Nếu đó là những cơn giận dữ thì bạn ấy cũng đã kiểm soát cơn giận của mình tốt hơn rất nhiều bằng cách nói ra, thở nhịp nhàng để bình tĩnh.
❀ Tóm lại lời khuyên dành cho bố mẹ có bé giai đoạn 4-5 tuổi
Một số bé sẽ có hiện tượng code-switching – chuyển đổi ngôn ngữ. Cụ thể là bé sẽ nói 1 câu tiếng Anh và ngay sau đó là 1 câu tiếng Việt. Đây chỉ là hiện tượng mà bất kì em bé song ngữ nào cũng sẽ trải qua và cho thấy 1 sự phát triển mới về tư duy sử dụng ngôn ngữ của bé. Tới giai đoạn 5-6 tuổi bé sẽ có thể dùng chính xác ngôn ngữ để nói chuyện với đối tượng dùng ngôn ngữ ấy.
Vì bé đang trong giai đoạn bắt chước theo âm thanh, cách sử dụng từ ngữ của người lớn rất nhanh nên bố mẹ nên lưu ý hơn về phần phát âm- đặc biệt là âm cuối (final sound) của từ vựng hoặc số nhiều (plural nouns)
Hãy tranh thủ miêu tả tất cả những gì con nhìn thấy hàng ngày- đó là 1 cách cực kì hữu hiệu giúp bé tăng về cả kiến thức và từ vựng. Nếu chưa tự tin bố mẹ có thể dùng app ChatGPT để hỗ trợ phần tìm từ vựng và mẫu câu phù hợp để nói với con.
Luôn duy trì thói quen song ngữ để con không bị lãng quên ngôn ngữ” – Phần này Hương cũng có nói rõ trong cuốn sách Dạy con song ngữ. Những đứa trẻ kể cả khi đã giao tiếp được bằng tiếng Anh nhưng nếu không sử dụng trong 1 thời gian thì đứa trẻ đó sẽ dần lãng quên và không còn muốn dùng ngôn ngữ đó nữa.
❀ Tổng kết:
Với một vài chia sẻ về hành trình song ngữ cùng Mỡ giai đoạn 4-5 tuổi, Hương hi vọng các gia đình khác cũng sẽ có thêm góc nhìn và chuẩn bị tốt hơn cho hành trình song ngữ cùng bé. Bố mẹ có thể đọc lại phần chia sẻ của mình với Mỡ các giai đoạn trước:
➜ NHẬT KÍ MẸ VÀ BÉ SONG NGỮ 18 THÁNG- CHIA SẺ KINH NGHIỆM: https://hpjunior.vn/…/nhat-ki-me-va-be-song-ngu-18…/
➜ KINH NGHIỆM DẠY TRẺ SONG NGỮ TỪ 2-3 TUỔI: https://hpjunior.vn/…/kinh-nghiem-day-tre-song-ngu-tu…/
➜ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ SONG NGỮ 3-4 TUỔI- CHIA SẺ KINH NGHIỆM DẠY CON SONG NGỮ: https://hpjunior.vn/…/su-phat-trien-cua-tre-song-ngu-3…/
➜ KẾT HỢP DẠY CON SONG NGỮ VÀ GỌI TÊN CẢM XÚC: https://hpjunior.vn/…/ket-hop-day-con-song-ngu-va-goi…/
Trả lời